Cấu trúc phức hợp Kim_tự_tháp_Neferirkare

Bao quanh phức hợp là một bức tường gạch bùn, mặc dù một số đoạn đã không còn nhìn thấy ngày nay. Và bởi vì không có một ngôi đền thung lũng nào được xây dựng nên một dãy nhà bằng gạch bùn được xây ở phía nam để dành cho các tư tế[2].

Đền tang lễ

Sơ đồ ngôi đền tang lễ của Neferirkare

Ngôi đền tang lễ nằm ở mặt đông của kim tự tháp, chỉ được xây dựng sau khi Neferirkare qua đời bởi vua Neferefre và Nyuserre. Đường đắp cao của ngôi đền được nối thẳng đến khu phức hợp của Nyuserre. Phần được xây sớm nhất của ngôi đền là khu vực ở bên trong, được xây bằng đá vôi trên một nền đá nhỏ, bao gồm một sảnh dâng tế phẩm, một nhà nguyện với 5 hốc đặt tượng và các dãy phòng phụ[2][16]. Trong khi khu vực bên trong được xây bằng đá, những phần còn lại của đền tang lễ lại được dựng bằng gạch bùn và gỗ, những vật liệu rẻ tiền và nhanh chóng hư hỏng[17][18]. Điều này dẫn đến phần lớn ngôi đền bị xói mòn, mục rữa trước mưa và gió, nơi mà đáng lý ra phải xây bằng đá sẽ tạo độ vững chắc hơn[19].

Hàng lang dẫn vào đền và khu vực tiền sảnh được xây bằng gạch bùn trên nền đất sét, được dựng rất nhiều các trụ cột bằng gỗ, được trang trí theo hình dạng một búp sen[17]. Tiền sảnh có tổng cộng 37 cây cột nhưng chúng không đối xứng nhau. Nhà nghiên cứu Herbert Ricke cho rằng, một số cột đã bị hủy hoại sau một trận hỏa hoạn và đã được bỏ đi, dựa theo một đoạn trong cuộn giấy cói Abusir[20].

Nhiều mảnh vỡ của các phù điêu được tìm thấy rải rác trong khu vực đền thờ[16]. Trong những gì tìm được, một khối gạch bằng đá vôi được xem là rất quan trọng trong việc lập phả hệ hoàng gia của thời này. Viên gạch này không được tìm thấy tại khu phức hợp mà nó là một phần của tàn tích một ngôi nhà tại Abusir[21], trên đó khắc tên và hình ảnh của vua Neferirkare cùng chính thất Khentkaus II và con trai cả, vua Neferefre[22].

Ngoài 5 pho tượng đá được đặt trong 5 hốc tại nhà nguyện, cuộn giấy cói còn nhắc đến bốn con thuyền đưa tang của nhà vua được chôn trong khu phức hợp này. Theo đó, các nhà khảo cổ đã tìm được hai con thuyền nằm trong những phòng kho đã được niêm ấn, hai con thuyền còn lại nằm ở 2 phía bắc-nam của khu vực sân trong của kim tự tháp[16].

Kim tự tháp

Mặt cắt của kim tự tháp. Màu xám nhạt: 6 bậc ban đầu của kim tự tháp bậc thang. Màu xám đậm: Lõi 8 bậc sau khi chuyển sang kim tự tháp chóp nhọn. Màu vàng: Lớp phủ ngoài bằng đá granite

Bậc đầu tiên của kim tự tháp được xây bằng gạch đá vôi xám đậm, trong khi các bậc trên được làm với loại gạch nhỏ hơn, được kết dính với nhau bởi lớp vữa được trộn từ đất sét và cát[23].

Lối vào kim tự tháp nằm ở mặt bắc, nối với một hành lang xây bằng đá vôi dài 4 mét dẫn xuống một tiền sảnh cách kim tự tháp 2,5 mét. Từ đây, đi một đoạn nữa sẽ gặp một cửa chặn bằng đá granite. Hành lang thứ hai sau đó chia làm 2 ngả rẽ, nhưng đều quay về phòng ngoài ở phía đông, thông với phòng chôn cất[2].

Cả phòng ngoài lẫn phòng chôn cất đều có 3 lớp mái hình chữ V được làm từ đá vôi. Cả hai phòng đều có cùng chiều rộng nhưng phòng ngoài vẫn ngắn hơn phòng chôn cất; không có một lớp vôi phủ nào được tìm thấy[2]. Nhiều viên gạch trong phòng đã bị lấy đi bởi những tên trộm mộ, khiến cho các chuyên gần như là không xác định được cách bố trí của nó[24].

Các nhà khảo cổ vẫn không phát hiện một dấu hiệu nào là nhà vua đã được chôn tại đây, bởi vì không tìm thấy xác ướp hay cỗ quan tài nào cả[17][24]. Phòng chôn cất đã bị hư hỏng hoàn toàn, chịu chung số phận như bao kim tự tháp khác, vì thế cuộc khai quật không thể tiếp tục được thêm[1].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Kim_tự_tháp_Neferirkare http://digi.ub.uni-heidelberg.de/diglit/borchardt1... http://www.britishmuseum.org/research/collection_o... http://www.gizapyramids.org/pdf_library/verner_arc... http://www.metmuseum.org/research/metpublications/... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... https://books.google.com.au/books?id=aWtoPgAACAAJ&... https://books.google.com.au/books?id=qeApebusL_0C&... https://egyptsites.wordpress.com/2009/02/27/the-py... https://cegu.ff.cuni.cz/cs/veda-a-vyzkum/projekty/... https://web.archive.org/web/20110201085933/http://...